Lễ Giáng sinh lãng mạn nhất thế giới
Theo những tài liệu xưa, trước khi chúa Jesus giáng thế, ngày 25/12 vốn đã là tâm điểm của sự kiện Đông chí ở châu Âu cổ đại. Sự tận diệt và tái sinh của Thái dương trước và sau cột mốc Đông chí là nguồn cảm hứng chính để sự kiện này ra đời. Cho đến khi những giáo lý của Thiên Chúa giáo bao trùm lên toàn cõi Đế quốc La Mã, những kẻ chấp chính đương thời đã thi hành một phép cộng thú vị: Đông chí + Ngày sinh thành của chúa Jesus.
Và rồi, theo chuyến hải trình của những nhà truyền đạo, lễ Giáng sinh đã đặt dấu chân đầy bỡ ngỡ đầu tiên lên xứ mặt trời mọc xa xôi. Tại đây, Thiên Chúa giáo đã chớm khai hoa le lói trước khi chìm khuất trong “thời kì bóng tối” kéo dài suốt 3 thế kỉ dưới tôn chỉ của Sắc lệnh cấm đạo. Bước sang thế kỷ XX, mãi đến khi Chiến tranh Nhật – Nga hạ màn với sự thắng thế của Đế quốc Nhật Bản, lễ Giáng sinh mới được toàn thể người dân đón mừng trọng đại trong bầu không khí thắng lợi chung.
Đầu thời Showa, với những chiêu bài truyền thông của giới thương mại, Giáng sinh từ chỗ là dịp để đi lễ nhà thờ, quây quần bên người thân đã ra đời phiên bản “Ngày bên cạnh người thương”. Đường phố trong suốt tháng 12 được giăng đèn và thắp sáng rực rỡ. Những đôi tình nhân sẽ nắm tay nhau sánh bước dập dìu trên phố, thưởng thức không khí đêm đông se lạnh và dành cho nhau những cái ôm ấm nồng.
Những hoạt động độc đáo, thú vị
Ăn gà rán KFC
Gác qua tổ hợp phổ biến trong lễ Giáng sinh Âu – Mỹ là “gia đình + gà tây”, Giáng sinh ở Nhật là phép biến tấu độc đáo dựa trên công thức mới: người yêu + …gà rán KFC. “Truyền thống” này chào đời vào thập niên 70 của thế kỷ XX, khi những chú gà tây vô cùng khan hiếm ở Nhật và hãng KFC đã tung ra chiến dịch quảng cáo “Kurisumasu ni wa Kentakkii!” (Giáng sinh phải ghé KFC!) để khuyến khích người dân dùng gà rán thay thế vào ngày lễ này. Quả là một phép thử đầy tính toán của KFC khi đổ tiền vào thị trường Nhật Bản, và họ đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Trào lưu này thậm chí đã không hết thời dù hàng chục năm qua đi. Vào ngày Giáng sinh, vẫn có đông nghịt người đứng nối đuôi nhau hàng tiếng đồng hồ trước các cửa hàng KFC trên phố. Nhiều người còn đặt chỗ trước từ tận… cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 để không phải tay không ra về. Thói quen văn hóa này sẽ khiến người nước ngoài cảm thấy rất bất ngờ khi đến Nhật.
Thưởng thức bánh kem dâu tây
Không chỉ là bánh kem dâu tây mà bao gồm cả bánh kem tươi nói chung. Bánh kem và rượu vang xuất hiện trong bữa tiệc Giáng sinh sẽ tạo nên ấn tượng rất “sang trọng”. Theo một khảo sát, đa số người Nhật thích cùng bạn đời, con cái hoặc bố mẹ thưởng thức bánh kem Giáng sinh. Một chiếc bánh kem trang trí cầu kì cũng có thể giúp những người độc thân vơi bớt nỗi sầu, tìm thấy niềm vui sống. Bởi lẽ đó mà người Nhật tin rằng chiếc bánh kem Giáng sinh có thể mang đến hạnh phúc cho người khác.
Dạo phố phường
Những con phố lấp lánh trong ánh đèn là một “đặc sản” của mùa lễ Giáng sinh tại Nhật. Hàng ngàn, hàng triệu ngọn đèn được trang hoàng khắp nơi, từ cửa hàng ven đường, trung tâm mua sắm đến công viên giải trí, tụ điểm vui chơi sang trọng như Roppongi, Ginza, Tokyo Skytree, Tokyo Disneyland… Nếu như Giáng sinh không có cặp có đôi, ai cũng có thể một mình hoặc cùng hội bạn xuống phố để thưởng lãm vẻ đẹp huyền ảo, diễm lệ tột bậc này.
Lễ hội Noel tự do, đa sắc với tuổi đời hơn 100 năm
Giữa bối cảnh xã hội và lịch sử đặc thù, lễ Giáng sinh thuở ban đầu được người dân xứ Phù Tang đón nhận như một trào lưu thời thượng để không tụt hậu so với phương Tây. Không có nghi thức tôn giáo cầu kì, không có khuôn khổ ước lệ, lễ Giáng sinh phiên bản Nhật mang tính chất tự do đúng nghĩa và phản ánh một cách chân thực không khí của từng thời đại. Trên bước đường tiếp thu nền văn minh cận đại phương Tây, những gì không phù hợp đã tự mình đào thải, những gì tiệm cận với bản sắc văn hóa Nhật Bản đã được dung hòa và biến thành nét độc đáo riêng. Chính bầu không khí đặc biệt đó đã thu hút đông đảo du khách ngoại quốc đến Nhật để cảm nhận, yêu thích và ghi nhận những ấn tượng khó quên trong dịp lễ khép lại năm cũ này.
Theo : Inako